Xây dựng kế hoạch luyện GMAT cho người mới bắt đầu luyện thi GMAT là điều quan trọng nhất trong quá trình luyện tập và cải thiện kĩ năng này chính là sự nỗ lực học hỏi và review liên tục. Bạn phải luôn cố gắng hết sức tuân thủ kế hoạch đã đặt ra vì chỉ cần khoảng 2 ngày không học, bạn sẽ lại trở về vạch xuất phát.

Tổng thời gian ôn tập
Một người bình thường (có nền tảng cơ bản Quant và Tiếng Anh) sẽ cần tổng thời gian 3 đến 4 tháng để chuẩn bị tốt cho bài thi GMAT. Trong đó:
- Ôn tập lí thuyết và luyện tập theo chủ đề lẻ: 2 – 3 tháng
- Luyện đề chuyên sâu: 1 – 2 tháng
Lưu ý, phần Quant và Verbal là 2 phần chính cấu thành điểm 800/800 mà bạn mong muốn –> Hãy cố gắng thông thạo 2 phần này trước khi chuyển sang ôn tập IR và AWA. Kinh nghiệm cá nhân mình là bạn chỉ cần dùng khoảng 1 tuần cuối trước khi thi để làm quen và luyện tập IR (Suy luận tổng hợp) và AWA (Viết).
Ôn tập lí thuyết GMAT
Bạn cần tìm hiểu kĩ format câu hỏi của 2 phần thi Quant và Verbal. Sau đó, bạn có thể làm thử 1 đề thử (Diagnosis Test) ở đầu sách Official Guide 2019 để nhìn thấy được điểm mạnh, yếu của mình, từ đó đề ra một kế hoạch ôn tập lí thuyết cụ thể.
(Cũng lưu ý, các bạn đi làm đã lâu không tiếp cận các công thức toán nên ôn lại tất cả công thức trước khi làm thử đề để có cái nhìn chính xác hơn về khả năng của mình)
Phần Ôn tập lí thuyết và luyện tập chủ đề lẻ này sẽ diễn ra trong 2-3 tháng tùy theo năng lực và thời gian của từng bạn. Cụ thể:
Trong tuần:
- Luyện tập xen kẽ: 2 ngày Quant – 2 ngày Verbal (1 ngày review lí thuyết – 1 ngày làm bài tập)
- Mỗi ngày, bạn cần dành ít nhất 2-3 giờ để review lí thuyết và làm bài tập
- Chuẩn bị vở ghi chú công thức Toán và lí thuyết Verbal
- Tài liệu lí thuyết và luyện tập topics: Quant (gmatclub mathbook); Verbal (Manhattan SC, Powerscore Bible CR & RC); OG 2019, 2020, & 2021
Cuối tuần: ôn tập những kiến thức đã học từ vở ghi chú và review lại các câu hỏi đã làm (kể cả câu đúng và sai, đặc biệt cho phần Verbal)
Luyện đề GMAT chuyên sâu
Theo bộ tài liệu đã chia sẻ trong 2 kì trước, bạn sẽ cần hoàn tất ít nhất là 10 đề full (GMAC paid + free, Manhattan, và gmatclub) để đảm bảo điểm thi thật của bạn. Quá trình luyện đề chuyên sâu sẽ diễn ra trong khoảng 1 đến 2 tháng.
Nguyên tắc:
- 1 ngày làm đề – 1 ngày review bài làm Quant – 1 ngày review bài làm Verbal (tất cả các câu đã làm, dù đúng hay sai)
- Làm xong 2 đề thì cần 1 ngày review lại tất cả các ghi chú
Trước khi làm đề:
- Luôn dành thời gian xem hết công thức Toán đã được ghi chú (dù việc này sẽ khiến bạn khá chán nhưng việc review công thức thường xuyên sẽ khiến dần thấm công thức và tự tin làm phần Quant hơn)
- Đối với Verbal, vì kiến thức khá nhiều nên bạn cần review phần ghi chú của đề hoặc các loạt câu hỏi đã làm hơn là review tất cả lí thuyết (dù vậy bạn vẫn sẽ cần review lại lí thuyết khi phát hiện mình yếu phần nào đó khi làm đề)
Trong khi làm đề:
- Cố gắng mô phỏng ngày thi thật nhất có thể để tránh bỡ ngỡ trong ngày thi. Cụ thể, hãy luyện tập đề trên máy có canh giờ đàng hoàng và vào buổi sáng/chiều đúng như lịch đã đăng kí của bạn.
Sau khi làm đề:
- Ghi chú thêm những điểm mới học hay rút kinh nghiệm từ đề
- Có một danh sách tất cả các câu “khó trị” từ các đề để review trước mỗi lần làm đề mới.

Section 1: QUANTITATIVE REASONING
Nội dung ôn tập: Tập trung tất cả các kiến thức căn bản của Trung học Cơ sở và một ít của Trung học Phổ thông (hình 3D)
2 dạng lớn: PS (Problem Solving) và DS (Data Sufficiency).
- Phần PS là dạng câu hỏi trắc nghiệm 5 đáp án mà các bạn đã làm rất rất nhiều thời đi học. Tuy nhiên, GMAT luôn bẫy 2 đáp án: 01 đáp án chính xác và 01 đáp án bạn làm ra một cách tự nhiên. Vì vậy, điểm mấu chốt là bạn luôn phải nhớ chính xác mình đang được hỏi gì?
–> Ghi chú ra nháp và luôn xem lại câu hỏi trước khi chọn đáp án cuối cùng.
- Phần DS là dạng câu hỏi suy luận với 5 đáp án cố định qua tất cả các câu DS. Dạng này không yêu cầu bạn tính ra kết quả cụ thể mà thiên về việc suy nghĩ xem mình có giải được dựa vào gợi ý không? Mình sẽ có bài chia sẻ riêng về cách làm dạng bài DS này.
–> Đây là dạng câu hỏi lạ đối với học sinh Việt Nam. Bạn cần nắm vững cách làm bài và thuộc lòng thứ tự đáp án để không mất thời gian đọc lại các Answer choices
Một số tips cho phần Quant:
- Phần Quant không cho phép bạn dùng máy tính nên bạn cần “cố tình” rèn luyện việc tính nhẩm mọi lúc mọi nơi như đi ăn, đi chợ, chơi game tính nhẩm, … (Bạn có thể tham khảo thêm lists các con số buộc phải biết trong ảnh đính kèm). Ngoài ra, việc làm bài tập nhiều cũng sẽ khiến bạn tính nhẩm nhanh và chính xác hơn.
Game tính nhẩm: Math Jutsu (Hãy cố gắng tận dụng “last digit” hay chữ số tận cùng để chọn nhanh đáp án; cách sử dụng “last digit” này cũng hoàn toàn hiệu quả trong việc chọn đáp án của bài thi GMAT Quant)
- Cố gắng rút gọn phép tính khi có thể, tránh làm việc với các con số quá lớn. Bạn hãy nhớ lại thao tác TÍNH NHANH lúc còn đi học.
- GMAT Quant không phải là bài thi tự luận, máy không chấm phần nháp làm bài của bạn nên bạn hãy dùng hết mọi cách có thể để chọn được đáp án đúng như: thử số, đoán kết quả rồi thử lại, thử từ đáp án lên, loại trừ đáp án, chọn đáp án đặc biệt nhất trong 5 đáp án, …
- Chuẩn bị một quyển ghi chú toàn bộ công thức toán theo chủ đề (Algebra, Arithmetic, Number Properties, …) và luôn review quyển công thức này trước khi làm đề mới.
- Trong quá trình học lí thuyết, luyện tập, và luyện đề bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc những câu hỏi hay, những câu hỏi có cách giải đặc biệt hoặc đơn giản là những câu hỏi không tài nào nghĩ ra được cách giải. Hãy chuẩn bị một file lưu trữ các câu hỏi ấy (+lời giải) theo đúng chủ đề và review thường xuyên trước khi làm đề mới.
- Làm lại các câu bạn làm sai, các câu hỏi thuộc chủ đề bạn chưa thông thạo và cả các đề đã từng làm để chắc chắn mình có cải thiện. Ví dụ: lần đầu làm đề bạn sai 10 câu thì lần 2 khi làm lại hãy cố gắng chỉ sai 1-2 câu.
- Luyện tập trên máy tính: Hãy sử dụng các platform như Gmatclub.com để luyện tập câu hỏi cho phần Quant. Nếu có khả năng tài chính, hãy mua các bộ đề mình đã giới thiệu trong các phần trước để quen với việc làm đề trên máy hoặc đơn giản là dùng file pdf trên máy và làm bài, nháp trên giấy. Ngoài ra, hãy nhớ rằng bạn không được quay lại sửa đáp án khi thật nên dù làm file pdf bạn cũng nên guess đáp án cho câu hỏi bạn không nghĩ ra –> Nguyên tắc: Tái hiện lại không khí thi và các qui định thật sẽ giúp bạn quen thuộc và không bỡ ngỡ vào ngày thi.
Tóm lại, bí quyết để đạt điểm cao phần Quant là sự kết hợp giữa CHĂM CHỈ và REVIEW HIỆU QUẢ các bài đã làm.
Bài viết hôm nay sẽ tiếp tục chia sẻ một số Tips cho phần thi VERBAL. Lưu ý, trước đây cho dù bạn giỏi tiếng Anh thế nào thì kiểu test của GMAT là hoàn toàn mới, thiên về suy luận nhiều hơn. Do đó, cần chuẩn bị tinh thần sai rất nhiều trong 1 tháng đầu học và ôn tập lí thuyết Verbal.

Section 2: VERBAL REASONING
3 dạng lớn: SC (Sentence Correction), RC (Reading Comprehension, và CR (Critical Reasoning)
- Phần SC (13-14 câu) thiên về chỉnh sửa lỗi ngữ pháp và cả ngữ nghĩa của 01 câu cho sẵn (dài hoặc ngắn). Câu này sẽ được gạch dưới 1 phần hoặc cả câu. Cái khó của phần này là GMAT có luật ngữ pháp Formal nên đôi khi những câu cú dùng được trong văn nói lại sai trong bài thi GMAT. Do vậy, đã dấn thân vào cuộc chơi GMAT thì bạn buộc phải tuân theo luật của nó thì mới đạt được kết quả tốt được.
- Phần RC (12-13 câu – khoảng 4 bài đọc cả dài và ngắn) được thiết kế theo nhiều chủ đề thuộc khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội nên việc bạn gặp một chủ đề không thể thích hay hiểu nỗi là chuyện tất yếu. Do vậy, cố gắng tập thói quen đối mặt và sẵn sàng học hỏi điều mới lạ, tránh gây áp lực cho bản thân kiểu “Chết rồi, không biết chủ đề này, làm sao đúng nổi!!”. Ngoài ra, bạn cần hiểu rõ rằng RC của GMAT đòi hỏi các câu trả lời được đưa ra trên cơ sở các thông tin đã được cung cấp trong bài viết nên bạn không được sử dụng kiến thức ngoài luồng và cũng không nên suy diễn quá nhiều.
- Phần CR (9-10 câu) là dạng mới lạ đối với hầu hết các bạn Việt Nam. Phần này hẳn về suy luận logic mà hầu hết các bạn nếu làm theo bản năng sẽ sai rất nhiều trừ khi logic của bạn rất ổn. Đối với phần này, các bạn cần học lại từ đầu và chấp nhận sai nhiều để học hỏi từng dạng cụ thể. Từ đó, ghi chú, rút kinh nghiệm để thấy được cải thiện sau khoảng 2 tháng.
Một số tips cho phần Verbal:
- Tập trung SC và RC nhiều hơn: Như bạn đã thấy, phân lượng của 3 dạng trong phần Verbal là: SC > RC > CR. Đồng thời, CR là phần lạ và khó chinh phục nhất trong thời gian ngắn.
–> Đặc biệt với những bạn có quỹ thời gian hạn hẹp, hãy biết phân bổ thời gian ôn tập một cách hợp lí cho 3 phần, ưu tiên SC và RC hơn dù nhiều bạn rất ngán phần Reading. Bạn cần hiểu rằng dù bạn rất tốt CR nhưng Reading sai rất nhiều thì điểm của bạn cũng sẽ rất tệ.
- Chọn đọc theo đúng thứ tự đề trình bày từ trên xuống dưới, từ trái sang phải. Cụ thể:
SC: Đọc câu gốc và suy nghĩ lỗi có thể trước
RC: Đọc Passage (Skim and scan) và tóm tắt trước khi đọc câu hỏi –> Bạn sẽ dễ dàng biết được nên quay lại đọc thông tin ở paragraph nào để tìm gợi ý cho câu trả lời.
CR: Đọc Stimuli (argument / facts) trước khi đọc Question stem (dạng câu hỏi): Mặc dù có nhiều tài liệu khuyên đọc Câu hỏi trước Stimuli nhưng kinh nghiệm cá nhân cho thấy nếu bạn chọn cách đọc này, bạn sẽ thực hiện như sau: Question –> Stimuli –> Question again (đặc biệt nhiều trường hợp câu hỏi có chứa thêm thông tin).
–> Như vậy, để tránh mất thời gian đọc đi đọc lại câu hỏi, bạn nên đọc Stimuli trước.
- Pre-think: Luôn tự đưa ra đáp án trước khi đọc các Answer Choices. Cho cả 3 dạng câu hỏi SC, RC, và CR, việc suy nghĩ trước đáp án (RC & SC) hoặc hướng nội dung đáp án (CR) sẽ giúp bạn rất rất rất nhiều trong việc không bị sao nhãng hay bị đánh llừa bởi các lựa chọn khác. Bạn cần nghiêm túc luyện tập và giữ thói quen Pre-think ngay từ ngày đầu tiên học Verbal.
- Take notes ít nhất có thể cho phần Verbal, chỉ ghi chú tóm tắt cho RC (Reading) và dùng trí nhớ cho 2 dạng còn lại (SC & CR). Lí do là SC và CR chứa lượng thông tin khá ít, bạn nên dành thời gian ghi chú để suy nghĩ về đáp án nên chọn. Từ đây cho thấy, việc rèn luyện trí nhớ ngắn hạn là cần thiết cho bài thi GMAT.
- Chuẩn bị một quyển ghi chú toàn bộ các điểm lí thuyết tóm tắt (SC & CR) và từ vựng theo chủ đề (RC). Hãy review và bổ sung khi làm đề. Cũng lưu ý rằng GMAT không đòi hỏi bạn biết rất nhiều từ vựng khó nhằn từ các chủ đề và thông thường, đề sẽ luôn giải thích một từ chuyên ngành ngay sau đó nên bạn không cần học trước một list từ vựng sẵn có mà nên thu thập từ vựng trong quá trình làm đề.
- Tương tự phần Quant, hãy chuẩn bị một file lưu trữ các câu hỏi đặc biệt lạ hoặc khó (+lời giải từ Experts) theo dạng và review thường xuyên trước khi làm đề mới. Đồng thời tuân thủ Quy luật bất thành văn của Verbal là: Luôn biết chấp nhận đáp án đúng, tuyệt đối không bới móc, chỉ được quyền học hỏi từ lỗi sai. (Việc bạn khó chịu, nghĩ đáp án đúng là sai chỉ làm mất thời gian và không giúp bạn được bất cứ điều gì)
- Làm lại các câu bạn làm sai, các câu hỏi thuộc chủ đề bạn chưa thông thạo và cả các đề đã từng làm để chắc chắn mình có cải thiện. Ví dụ: lần đầu làm đề bạn sai 10 câu thì lần 2 khi làm lại hãy cố gắng chỉ sai 1-2 câu.
- Luyện tập trên máy tính: Cũng như phần Quant, vẫn là Nguyên tắc: Tái hiện lại không khí thi và các qui định thật sẽ giúp bạn quen thuộc và không bỡ ngỡ vào ngày thi.
Tóm lại, bí quyết để đạt điểm cao phần Verbal vẫn là sự kết hợp giữa CHĂM CHỈ và REVIEW HIỆU QUẢ các bài đã làm.
Tham khảo các chương trình du học Mỹ, Canada, Úc và các nước tiên tiến tại website của VNIS Education – đơn vị tư vấn du học hàng đầu Việt Nam, một thành viên của VNIS Group.
Clever Academy cung cấp chương trình đào tạo toàn diện cho tất cả các chứng chỉ chuẩn hoá nói trên. Truy cập https://cleveracademy.vn/khoa-hoc/ để biết thêm thông tin chi tiết.
Thảo Vy – Cleveracademy